Bài 3: Dừng Và Khởi Hành Ngang Dốc – 11 Bài Thi Sa Hình B2

Bài 3: Dừng Và Khởi Hành Ngang Dốc - 11 Bài Thi Sa Hình B2
Bài 3: Dừng Và Khởi Hành Ngang Dốc – 11 Bài Thi Sa Hình B2

Bài 3: Dừng Và Khởi Hành Ngang Dốc

I. Các bước thực hiện

  1. Dừng xe để khoảng cách từ hình chiếu thanh cản phía trước của xe xuống mặt đường đến vạch dừng (khoảng cách A) không quá 500mm;
  2. Khởi hành lên dốc nhẹ nhàng, không bị tụt dốc, bảo đảm thời gian quy định;
  3. Lái xe đến bài sát hạch tiếp theo.

II. Yêu cầu đạt được

  1. Dừng xe cách vạch dừng quy định không quá 500mm;
  2. Khởi hành xe êm dịu, không bị tụt dốc quá 500mm;
  3. Xe qua vị trí dừng trong khoảng thời gian 30 giây;
  4. Giữ động cơ hoạt động liên tục;
  5. Giữ tốc độ động cơ không quá 4000 vòng/phút;
  6. Lái xe theo quy tắc giao thông đường bộ;
  7. Tốc độ xe chạy không quá:
    • 24 km/h đối với hạng B, D
    • 20 km/h đối với hạng C, E

III. Các lỗi bị trừ điểm

  1. Dừng xe chưa đến vạch dừng quy định (A > 500mm), bị trừ 05 điểm;
  2. Xe bị chết máy, mỗi lần bị trừ 05 điểm;
  3. Để tốc độ động cơ quá 4000 vòng/phút, mỗi lần bị trừ 05 điểm;
  4. Lái xe quá tốc độ quy định, cứ 03 giây bị trừ 01 điểm.
  5. Tổng thời gian đến bài sát hạch đang thực hiện quá quy định, cứ 03 giây bị 1 trừ 1 điểm;

IV. Bị truất quyền sát hạch

  1. Không dừng xe ở vạch dừng quy định;
  2. Dừng xe quá vạch dừng quy định;
  3. Quá thời gian 30 giây kể từ khi dừng xe không khởi hành xe qua vạch dừng;
  4. Xe bị tụt dốc quá 50 cm kể từ khi dừng xe;
  5. Xử lý tình huống không hợp lý gây tai nạn;
  6. Điểm sát hạch dưới 80 điểm.

V. Kinh nghiệm

Yêu cầu của bài này là xe không vượt quá vạch quy định (vượt sẽ bị truất quyền sát hạch ngay), không bị tuột dốc quá 50 cm, phải vượt khỏi dốc trong khoảng thời gian 30 giây, không được tăng ga quá lớn (số vòng quay động cơ không quá 3000 hoặc 4000 vòng/phút). Chính vì nếu vượt quá vạch quy định là bị loại ngay nên nhiều người đành phải đỗ non khi chưa đến đúng vị trí, chấp nhận mất 5 điểm.

Sau khi qua bài Dừng xe nhường đường cho người đi bộ, bạn nhả hết côn, phanh cho xe tự bò lên dốc. Về bản chất, bài ngày giống bài Dừng xe nhường đường cho người đi bộ ở chỗ dừng xe rồi lại đi tiếp. Nhưng vì xe đang ở trên dốc nên bạn không thể đỡ côn cho xe đi chậm lại vì nếu đỡ côn thì xe sẽ bị trôi ngược về chân dốc. Vì thế, chỉ có thể nhắm đúng vị trí cần đỗ (qua vạch đỏ trên ta luy hoặc mặt đường) để đạp côn, phanh đúng lúc.

Nếu như ở bài Dừng xe nhường đường cho người đi bộ, sau khi dừng xe, để đi tiếp bạn chỉ việc bỏ chân phanh ra rồi mới từ từ nhả côn. Nhưng ở bài này thì không thể làm như vậy vì xe đang trên dốc, bỏ phanh chân ra thì xe sẽ trôi. Do vậy có 2 cách xử lý ở bài này như sau:

  • Cách 1: Là cách dạy chính thống trong các cơ sở đào tạo. Sau khi đã dừng trên dốc, bạn kéo phanh tay với mục đích là thay phanh chân giữ xe tại điểm dừng. Khi đó, bạn có thể bỏ chân phanh ra và đặt vào chân ga mớm lên. Đồng thời chân trái nhả côn từ từ, đến khi thấy tay lái hoặc cần số rung lên (báo hiệu các lá côn đã bắt vào nhau) thì nhả nhẹ phanh tay, nghe ngóng nếu thấy xe không trượt thì thả nôt phanh tay, xe sẽ tự bò lên).
  • Cách 2: Là cách các lái xe kinh nghiệm thường làm trong thực tế, không dùng đến phanh tay. Sau khi xe dừng, bạn nhả côn từ tư, đến khi thấy tay lái hoặc cần số rung lên thì nhả nhẹ phanh chân, nghe ngóng. Nếu cảm thấy xe trôi thì đạp phanh vào, làm lại. Nếu thấy xe không trượt thì thả cho hết phanh chân, xe sẽ tự bò lên. Nếu nhả hết phanh chân mà xe vẫn đứng yên thì tiếp vào chân ga một chút, đồng thời hơi nhả côn ra thêm. Khi xe đã đi thì giữ nguyên vị trí chân côn và ga cho đến khi xe qua khỏi đỉnh dốc. Nhiều người mới học lái thấy cách này dễ hơn cách 1, vì không cần dùng đến phanh tay mà chỉ tập trung vào hai chân điều chỉnh côn, phanh (thực tế khi hạ phanh tay, những người chưa quen có thể bị choạng tay lái hoặc ấn mạnh vào bàn đạp ga làm rú ga).

∗ Khi chuyển bánh trên dốc nên chú ý:

  1. Thời cơ nhả phanh tay phải phù hợp, nếu nhanh quá thì xe sẽ bị trôi, nếu chậm quá xe sẽ bị chết máy.
  2. Trong quá trình chuyển bánh, nếu bị trôi xe phải lập tức đạp bàn đạp ly hợp và bàn đạp phanh, không được cưỡng ép xe chạy bằng cách thả bàn đạp ly hợp và tăng mạnh ga lên, cũng không được kéo mạnh cần phanh tay để dừng xe nhằm tránh gây hại cho phụ tùng xe.
  3. Khi bắt đầu chuyển bánh, nếu chân ga mở quá nhỏ hoặc bàn đạp ly hợp thả quá nhanh, có khả năng gây chết máy. Trong trường hợp này, không được thả cần phanh tay mà nên đạp nhanh bàn đạp ly hợp, khởi động chuyển bái lại.
  4. Trong quá trình xe bắt đầu chuyển bánh, có tình huống xe giật mạnh về phía trước, nên đạp phanh vào bàn đạp ly hợp, khởi động chuyển bánh lại.

Khi khởi hành lên dốc xe hạng B chỉ dùng số 1, các xe hạng C, D, E dùng số 2.

VI. Hướng dẫn tự ôn luyện

Trên mặt đường ở chỗ đường lên dốc có độ dốc thực tế tính bằng 10%, với chiều rộng 7m, chiều dài lên dốc 15m kẻ một vạch ngang màu trắng có chiều rộng 40 cm, vuông gốc với trục dọc của đường.

Thẻ:,

Bình luận cho xôm tụ

Bình luận của bạn